Nhằm cụ thể hóa các mục
tiêu của Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2025, ngày
30/5/2025,
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình
Dương đã tổ chức thả cá giống vào môi trường tự nhiên theo Kế hoạch số
389/KH-CCCNTYTS ngày 16/4/2025. Đây là hoạt động trọng điểm trong chuỗi chương
trình phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Buổi thả cá có sự phối hợp chặt
chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức địa phương gồm: UBND xã Lạc An, UBND
xã Đất Cuốc, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc
Tân Uyên, Hội Nông dân hai xã Đất Cuốc và Lạc An, cùng các lực lượng như dân quân
tự vệ, công an xã, đoàn thanh niên và các tổ khai thác thủy sản tại địa phương.
Hình 1. Tổ chức thả cá giống tại hồ Đá bàn, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên.
Hình 2. Tổ chức thả cá giống tại hồ Dốc Nhàn, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên.
Trong bối cảnh nguồn
lợi thủy sản trên cả nước đang chịu áp lực suy giảm bởi biến đổi khí hậu, ô
nhiễm môi trường, khai thác quá mức và thiếu kiểm soát, thì việc chủ động tái
tạo nguồn lợi và phục hồi sinh thái tại các thủy vực tự nhiên là hết sức cấp thiết.
Tại Bình Dương – một tỉnh công nghiệp đang trên đà phát triển nhanh, việc bảo
vệ các hồ chứa nước và đa dạng sinh học dưới nước cũng mang ý nghĩa chiến lược
trong bảo tồn thiên nhiên và phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo nội dung kế hoạch
đã được xây dựng và phê duyệt, chương trình thả cá giống năm nay hướng tới mục
tiêu tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy
sản, đồng thời thực hiện tái tạo hệ sinh thái tại hai thủy vực tự nhiên trọng
điểm là hồ Đá Bàn (xã Đất Cuốc) và hồ Dốc Nhàn (xã Lạc An) thuộc huyện Bắc Tân
Uyên.
Tại buổi thả cá, Chi cục cùng các
đơn vị phối hợp đã tiến hành thả 500 kg cá giống bao gồm các loài thủy sản truyền
thống, có giá trị kinh tế cao và phù hợp với môi trường tự nhiên của khu vực:
cá tra, cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi và cá mè hoa. Đây là những loài cá quen
thuộc, dễ thích nghi, có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái dưới nước,
đồng thời cũng là nguồn lợi kinh tế lâu dài cho người dân sống quanh hồ.
Hình
3. Phối hợp tổ chức giữa Đoàn thanh niên và lực lượng dân quân tự vệ địa phương
Hình 4. Kiểm tra chất lượng, số lượng bao cá giống
chuẩn bị thả xuống hồ
Quá trình vận chuyển cá
giống được thực hiện bằng xe chuyên dụng có trang bị đầy đủ hệ thống bảo quản
oxy, nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất khi thả vào hồ. Tại hiện trường, các lực
lượng tình nguyện viên, cán bộ chuyên môn, đoàn viên thanh niên và dân quân tự
vệ đã cùng nhau tham gia công tác thả cá.
Ngoài công tác thả cá, đây còn là dịp để tuyên
truyền sâu rộng tới người dân địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ
nguồn lợi thủy sản. Các thông tin về tác hại của việc đánh bắt cá bằng xung
điện, hóa chất hay khai thác quá mức đã được phổ biến nhằm nâng cao nhận thức
cộng đồng và hình thành ý thức bảo vệ lâu dài.
Hình 5. Người dân cùng các đơn vị thả cá giống vào môi trường tự nhiên
Việc thả cá giống không chỉ là một hoạt động thường niên mang tính chuyên
môn mà còn là sự kiện có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Qua hoạt động này, Chi cục đã
thể hiện vai trò tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển nông
nghiệp bền vững. Đồng thời, sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền, đoàn
thể và người dân địa phương đã tạo nên một mô hình cộng đồng cùng hành động vì
lợi ích chung.
Về lâu dài, việc tiếp
tục tổ chức những đợt thả cá như thế này, kết hợp với các chính sách kiểm soát
khai thác, bảo vệ sinh cảnh và tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng sẽ là
tiền đề quan trọng để giữ gìn và phát triển nguồn lợi thủy sản không chỉ tại huyện Bắc Tân Uyên mà còn
trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hình 5. Banner tuyên truyền không khai thác thủy
sản trong vòng 30 ngày sau thả cá.
Ngoài
ra, nhằm đảm bảo cá giống sau khi thả có thời gian thích
nghi và phát triển ổn định trong môi trường tự nhiên, tại đây Ban tổ chức đã phát
động và tuyên truyền đến người dân địa phương tuyệt đối không khai thác
thủy sản tại khu vực hồ Đá Bàn và hồ Dốc Nhàn trong vòng 30 ngày kể từ ngày thả
cá (đến hết ngày 30/6/2025). Đây là giai
đoạn quan trọng để cá giống hồi phục, thích nghi môi trường và tăng trưởng, góp
phần phục hồi quần thể thủy sản tự nhiên.
Chi cục cũng tiếp tục
theo dõi tình hình sinh trưởng của đàn cá sau khi thả, đánh giá tác động sinh
thái và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong các đợt tiếp theo. Đồng
thời, đơn vị cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các sở
ban ngành, chính quyền địa phương và toàn thể người dân để công tác bảo tồn và
phát triển nguồn lợi thủy sản ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại giá trị bền
vững cho tương lai.